14 May, 2014

Gỏi Đu Đủ Khô Bò

Gỏi đu đủ khô bò chắc hẳn rất quen thuộc với nhiều người. Đây cũng là một loại gỏi khá phổ biến và rất ngon. Cá nhân mình thì mình cực kỳ thích món này. Thời học sinh và cả sinh viên, gỏi khô bò luôn là lựa chọn mỗi khi rủ đám bạn gái đi ăn hàng.
Tết vừa rồi về Việt Nam, tuy không có nhiều thời gian vì phải lo ngày Tết cho 2 bên gia đình nhưng mình cũng "tranh thủ" ghé thăm hàng gỏi khô bò được 3 lần ^^, ăn cho thoả thích những ngày "mong nhớ"...!


Tuần trước mình vừa làm một mẻ khô bò, cuối tuần đi chợ lại mua được một quả đu đủ tươi xanh nên nghĩ ngay đến món gỏi đu đủ khô bò. Nhìn chung đây là món ăn dễ làm, ít tốn thời gian. Mặc dù giữa các miền của Việt Nam đều có một chút khác biệt khi làm món gỏi này, nhưng nhìn chung vẫn là đu đủ bào sợi, khô bò, đậu phộng và rau quế. Riêng nước trộn gỏi cho món gỏi này, mình có biết chút khác biệt là ở miền Trung thường dùng nước mắm mua ngọt, còn miền Nam thì dùng tương xì dầu. Ở đây mình có ghi cách làm cho cả 2 loại nước tương gỏi. Tuỳ theo khẩu vị mà các bạn sử dụng nước trộn gỏi cho phù hợp nhé!

Nguyên liệu:

(nguyên liệu cho khoảng 4-5 đĩa gỏi)
_ 1 quả đu đủ xanh khoảng 700 grams.
_ khô bò (cách làm tham khảo TẠI ĐÂY )
_ đậu phộng rang vàng.
_ rau quế rửa sạch, thái nhỏ.
_ bánh tráng.
Nước trộn gỏi:
Nước mắm chua ngọt (kiểu miền Trung): 3 tép tỏi băm nhỏ, 2 trái ớt băm nhỏ; 2,5 muỗng canh dấm; 4,5 muỗng canh nước mắm; 1,5 muỗng canh đường, 4 muỗng canh nước. Trộn đều các nguyên liêụ lại với nhau.
Nước tương (kiểu miền Nam): 1/3 chén nước lọc, 2/3 chén nước dừa, xì dầu, dấm, tỏi băm và ớt băm.
  _ Cho nước lọc và nước dừa vào nồi. Đun sôi trên lửa vừa rồi cho xì dầu và dấm vào. Nêm nếm sao cho nước tương có vị ngọt, chua nhẹ và không quá mặn. Vì phần khô bò đã mặn nên không cần nước tương quá mặn. Đổ nước tương vào chén ớt tỏi, trộn đều. Để nguội.

Cách làm:

1. Đu đủ gọt vỏ, bổ đôi và bỏ hết hột.
2. Đổ nước lạnh, ít đá lạnh và nước cốt của một quả chanh vào một thau sạch. Bào đu đủ rồi cho vào thau (cách này làm đu đủ ra bớt mủ và vẫn giữ được độ giòn).


3. Sau khi bào hết đu đủ thì tiếp tục ngâm thêm 15 phút rồi vắt cho đu đủ ráo nước.


4. Trình bày: cho đu đủ vào đĩa, cắt khô bò thành sợi rải lên trên, cho đậu phộng, rau quế vào rồi chan nước tương/nước mắm chua ngọt vào cho vừa ăn. Dọn kèm cùng bánh tráng và ít rau quế (nếu ai muốn ai thêm).

No comments:

Cảm Ơn Bạn Đã Ghé Thăm Căn Bếp Nhỏ!

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...