13 November, 2010

Bánh Xu Xuê ( bánh phu thê)

Hôm nay tình cờ đọc được câu chuyện về "bánh phu thê". Có nhiều câu chuyện kể khác nhau, nhưng quy lại cũng nói về tình vợ chồng, bởi vậy mà bây giờ ở các đám cưới, đám hỏi, vẫn có mâm bánh phu thê. Tiếc là vừa rồi, đám cưới mình, không kịp đặt  bánh ở Hội An, nếu không cũng có 1 mâm "phu thê" rồi :)
Một vài câu chuyện đọc được trên web:
*Chuyện kể rằng khi vua Lý Anh Tông đi đánh trận, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay vào bếp làm bánh gửi ra cho chồng. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình vợ chồng đã đặt tên bánh là bánh phu thê (sau này còn có tên gọi là bánh xu xuê) .

*Một câu chuyện khác cũng vào thời Lý. Vào ngày hội hè, dân làng Đình Bảng hay đem các sản vật mình đã cấy trồng ra làm bánh xu xuê, đem cúng tổ tiên rồi cùng hưởng lộc. Một lần hội làng, vua Lý Thánh Tông và vợ về quê lễ Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông ở đền đô. Tại đây dân làng đã dâng lên vua món bánh đặc sản quê mình, vua và nguyên phi thưởng thức rồi khen bánh ngon. Người cho rằng cuộc đời con người có được hạnh phúc là niềm vui lớn của lứa đôi, và truyền từ nay, ngày cưới, hỏi nên có món bánh này cho mọi người cùng hưởng. Và từ đó bánh xu xuê được đổi tên thành bánh phu thê. Nó biểu hiện tình chung thủy, sắt son của hai vợ chồng.
* Một câu chuyện khác ở 1 gia đình nọ, một hôm người chồng phải lên kinh thành đi buôn, sáng đó người vợ thức dậy sớm làm bánh phu thê gói cho chồng mang theo. Người chồng xuống kinh thành, đam mê nhan sắc, phồn hoa phố phường nên quên mất người vợ. Người vợ nghe tin, nên làm những chiếc bánh phu thê gói cùng 2 câu thơ gửi cho chồng:
                                  Từ ngày chàng bước xuống ghe.
                           Sóng bao nhiêu đợt, phu thê rầu bấy nhiêu.
Người chồng nhận được tin, nghĩ đến tình vợ, vội khăn gói trở về.

Dẫu là bánh có truyền thuyết thế nào, cũng là biểu tượng của tình thủy chung, son sắt của vợ chồng và người ta bảo, vợ chồng mà ăn bánh này thì sẽ thêm gắn bó, tình cảm thắm thiết hơn. Nghĩ vui vui, thế là làm 1 mẻ bánh, vì dù sao thấy chồng cũng thích mấy thứ bánh dân dã quê hương. Rốt cuộc bánh làm ra 1 dĩa, chồng đi làm về chỉ ăn vài cái, còn lại vợ xử lý 1 số, qua 2 ngày sau, mấy cái còn lại thiu mất. Nhưng dù sao bánh cũng ngon, và vợ rất thích. Giữ lại cái công thức này rồi sẽ có ngày làm tiếp.
Nguyên liệu:
Nhân bánh:
+ 250 gr đậu xanh cà vỏ.
+ 150 gr đường cát trắng (gia giảm đường theo khẩu vị)
+ nước hoa bưởi/vani (nếu thích)
Bột bánh:
+ 250 gr bột năng.
+ 150 gr đường cát trắng.
+ 450 gr nước.
+ Màu lá dứa (nếu thích)
+ Mè rang.
+ 200 gr dừa sợi (gia giảm tùy theo ý thích)
Cách làm:
Đậu xanh vo sạch, ngâm qua đêm hay vài tiếng cho mềm. Nấu với chút nước cho chín mềm, cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Bắc lên bếp cho đường vào sên xong thêm dừa sợi và dầu ăn. Khi chín, cho thêm vanilla hay nước hoa bưởi. Để nguội.
Trộn đều bột năng với nước, mùi lá dứa(nếu thích) và đường cho tan để lên bếp quậy nhỏ lửa cho đến khi thấy hơi dính đũa ở đáy nồi thì cho dừa sợi vào. Lúc nầy bột vẫn còn lỏng, nhưng mang nồi ra khỏi bếp rồi quậy đều tay theo một chiều, bột sẽ càng lúc càng sệt hơn. Khi thấy bột sền sệt là được.
SÊN ĐẬU XANH

BỘT SAU KHI KHUẤY




 Lấy khuôn nhựa hình chữ nhật, xoa một lớp dầu ăn, đổ 1 lớp bột, 1 lớp nhân, 1 lớp bột, rải mè lên rồi đem hấp chín.
DÀN BỘT RA KHUÔN
                                                  
BÁNH SAU KHI HẤP.



Cách gói:
Reno không tìm mua được lá dứa nên gói bằng plastic wrap, nhưng bánh cũng đều và xinh xinh.
Bánh hấp chín, lấy ra khỏi khuôn, xoa ít dầu lên dao rồi cắt thành những miếng vuông (hình chữ nhật, tùy thích), bọc plastic wrap lại.



Có thể hấp ngay sau khi làm xong, cũng có thể làm nhiều rồi bọc kín, cất lên ngăn đá, khi nào cần mang xuống hấp ngay khi bánh vẫn còn đang đông đá cho đến khi bánh chín.
*Nhược điểm của bánh là bánh mau thiu nếu để 2-3 ngày, nên ăn trong ngày hoặc ngày hôm sau. Nếu không thì cất lên ngăn đá, khi muốn ăn đem ra hấp.

























No comments:

Cảm Ơn Bạn Đã Ghé Thăm Căn Bếp Nhỏ!

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...